Phát triển du lịch đường sông 2013


Thông tin du lịch :TP.HCM phát triển du lịch đường sông
Trước mắt sẽ xây dựng hệ thống cầu tàu, nhà chờ đầu, giữa và cuối tuyến kênh Bến Nghé, Tàu Hủ.
TP.HCM đang chú trọng phát triển bảy tuyến du lịch đường sông tầm ngắn (qua các sông, kênh rạch trong nội đô), tầm trung (kết nối ngoại ô và các tỉnh liền kề) và tầm xa (đi Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây và sang 
Campuchia).


Với du lịch đường sông, du khách có thể len lỏi một cách thú vị qua những con rạch nhỏ trong rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: HTD 
Điểm đến đã mở
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành - Sở VH-TT&DL TP.HCM, các cuộc khảo sát từ giữa năm 2012 đến nay cho thấy điểm đến dọc theo và cuối các tuyến du lịch đường sông đều đã có. Đơn cử, tuyến tầm ngắn trên kênh Bến Nghé, Tàu Hủ khởi hành từ bến Bạch Đằng sẽ đưa khách đến điểm cuối là chùa Long Hoa, quận 8. Dọc đường, du khách được chiêm ngưỡng những công trình cổ đan xen với công trình hiện đại dọc đại lộ Võ Văn Kiệt.
Trong khi đó, dọc tuyến tầm trung đi ngược lên thượng lưu sông Sài Gòn có các điểm dừng chân như Khu du lịch Bình Quới - Thanh Đa, Bình Mỹ, khu địa đạo Bến Đình, Khu du lịch - làng nghề Một Thoáng Việt Nam và điểm cuối là khu địa đạo Bến Dược. Du khách còn được chuyển sang đi xuồng ba lá để đến các làng nghề nằm sâu trong những kênh rạch mang đậm chất Nam Bộ. Còn với tuyến về Cần Giờ, du khách sẽ được thưởng thức các sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước và trở về vùng căn cứ đoàn 10 đặc công Rừng Sác.

“Các điểm đến trên đã hình thành từ nhiều năm qua và được một số công ty du lịch khai thác nhỏ lẻ. Trong tầm nhìn đến năm 2020, TP phải phát triển từ điểm thành tuyến rồi mạng lưới du lịch đường sông mang đặc trưng của đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn của vùng đất phương Nam với sông, kênh rạch chằng chịt bao quanh…” - ông Anh nói.
Cầu, bến chông chênh
Tuy nhiên, ông Ngô Đặng Quá Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy - Sở GTVT, cho hay: Kết quả khảo sát các tuyến trên cũng cho thấy cầu, bến ở nhiều điểm dừng, điểm đến còn rất thô sơ. Nhiều nơi chỉ là những chiếc cầu dẫn nhỏ, làm bằng cây cắm cố định vươn ra lòng kênh rạch nên ít an toàn, thuận tiện cho khách lên xuống. Các tàu thuyền lớn không thể cập bến mà phải chuyển tiếp khách sang phương tiện nhỏ hơn.
“Khi đi sâu vào các kênh rạch, khách có thể chuyển sang xuồng ba lá để cảm nhận không khí sông nước, rừng ngập mặn… nhưng bến chuyển tiếp phải an toàn, đạt tiêu chuẩn” - ông Hải nói.
Về việc này, ông Ngô Đình Quang, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM (Sở GTVT), cho biết: Trong năm 2013, Sở sẽ triển khai xây dựng mạng lưới cầu tàu, bến đỗ cho các tuyến du lịch đường sông qua các quận 1, 8, 9 và huyện Củ Chi, Cần Giờ. Trước mắt là xây dựng hệ thống cầu tàu, nhà chờ đầu, giữa và cuối tuyến kênh Bến Nghé, Tàu Hủ.
“Hệ thống cầu tàu, nhà chờ này nhằm kết nối với khu phố cổ, phố thuốc Bắc trong Chợ Lớn với chợ Bình Tây, khu chợ hoa và phố bến cảng dọc bến Bình Đông” - ông Quang thông tin.
Còn nhiều việc phải làm
Ngoài ra, theo ông Việt Anh, để du lịch đường sông thực sự trong lành thì phải giải quyết ô nhiễm môi trường xã hội và tự nhiên dọc các tuyến sông kênh rạch. Thực tế nhiều tuyến đường thủy nội đô đang bị ô nhiễm bởi rác thải, ngoài ra vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống trên các ghe thuyền, nhà sàn lấn xa ra bờ kênh rạch. “Cảnh sống nhếch nhác, mùi hôi nồng nặc, rác thải phơi ra khi nước triều xuống ở các bến lên xuống là những điều khiến du khách… ớn lạnh” - ông Anh nói.
Một điều quan trọng nữa là các tuyến du lịch đường sông nêu trên hiện còn khá đơn điệu. Hầu hết chỉ đưa khách tới các điểm tham quan văn hóa, lịch sử, thiếu hẳn loại hình du lịch nghỉ dưỡng, giải trí khiến khách dễ có cảm giác nhàm chán. Nhận ra khoảng trống này, một hãng chuyên đóng tàu thuyền bằng composit ở xã Tam Thôn Hiệp đang có ý tưởng đóng các nhà thuyền cho khách dừng chân hoặc nghỉ qua đêm trong rừng ngập mặn Cần Giờ… Nếu ý tưởng này được chấp thuận, tuyến đi từ bến Bạch Đằng xuống Cần Thạnh ra Vũng Tàu sẽ có thêm điểm dừng nghỉ dưỡng ở giữa là Tam Thôn Hiệp. 
( Sưu tầm Báo SGTT)
Họ đã nói
Việc mở các tuyến và mạng du lịch đường sông nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP. Trong thời gian tới, đây phải là sản phẩm chủ yếu, đặc trưng và phát triển theo hướng đa dạng, đồng bộ, chuyên nghiệp nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Đó là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 không chỉ của ngành du lịch mà còn của các ngành giao thông, quy hoạch - kiến trúc và những quận, huyện liên quan.
Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
***
Bảy tuyến du lịch đường sông
(đều xuất phát từ bến Bạch Đằng)
1. Ba tuyến tầm ngắn, sử dụng canô du lịch nhỏ, vừa, tốc độ chậm, lượng khách tối đa 20 người/tàu:
- Tuyến nội đô hướng quận 1, 4, 6, 8 đi trên các tuyến kênh Tẻ, kênh Đôi, Tàu Hủ, Lò Gốm, Bến Nghé.
- Tuyến đi làng Họa Sỹ, hướng quận 2, trên sông Sài Gòn.
- Tuyến đi Khu du lịch Bình Quới - Thanh Đa trên sông Sài Gòn.
2. Hai tuyến tầm trung, dùng tàu canô cao tốc:
- Tuyến Củ Chi, có điểm đến cuối là địa đạo Bến Dược, dài 70 km, trên sông Sài Gòn.
- Tuyến hướng về khu vực công viên văn hóa lịch sử, chùa Hội Sơn (quận 9), dài 50 km, đi theo sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
3. Hai tuyến tầm xa, dùng tàu thuyền loại lớn với tour 2-4 ngày:
- Hướng về Nhà Bè, Cần Giờ và có thể nối ra Vũng Tàu, dài hơn 75 km, đi theo các sông Sài Gòn, Nhà Bè và Lòng Tàu (hoặc Soài Rạp).
- Hướng đi Bình Chánh, Long An về các tỉnh miền Tây nối sang Campuchia đi theo kênh Tẻ, kênh Đôi, sông Chợ Đệm, Bến Lức ra sông Tiền ngược lên thượng nguồn sông Mekong.
Du Lich Đường Sông - Cho Thuê Cano 12, 18, 30 chổ, Call: 0945.38.1056 - Mr Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét